Biến nguồn nước thải từ chuồng lợn thành nước pha trà
(moitruong.com.vn) Vị chủ tịch xã đam mê chăn nuôi khẳng định: “Nếu thích, tôi có thể biến nguồn nước thải từ chuồng lợn thành nước pha trà. Cụ thể, nước sau khi xử lý sau 4 bể lọc bằng trấu, có thể đi qua một bể lọc nữa sử dụng than hoạt tính thì sẽ trở thành nước sạch có thể uống được mà không gây hại cho con người”.
Học chuyên ngành Chăn nuôi - thú y, trực tiếp đầu tư trang trại lợn nái nhiều năm, ông Trần Công Việt, Chủ tịch UBND xã Việt Ngọc (Tân Yên, Bắc Giang), đam mê nghiên cứu tài liệu nước ngoài về xử lý chất thải chăn nuôi và biến phụ phẩm chăn nuôi thành năng lượng, dinh dưỡng cây trồng.
Ông Trần Công Việt có một “kho” tư liệu về chăn nuôi lợn công nghiệp
Trang trại lợn giống của ông Trần Công Việt tọa lạc trên một khu đồi khá rộng và nằm khá gần nhà dân. Có thời điểm, quy mô chăn nuôi của trang trại này lên tới 300 lợn nái, thế nhưng, sự tác động tiêu cực đến môi trường dường như không diễn ra. Để làm được điều đó, ông Việt đã đầu tư để triệt tiêu mọi nguồn phụ phẩm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường (bao gồm phân và nước thải).
Do đặc thù phân lợn nái khá khô, bởi vậy ông Việt thuê lao động hót phân, sau đó phơi, đóng bao tải bán cho các đơn vị sản xuất phân hữu cơ để trồng rau, quả sạch. Lượng nước thải rửa chuồng lần lượt chảy qua 4 hầm biogas (dung tích mỗi hầm 50m3) được bố trí theo đường ziczac.
Sau đó, nước thải tiếp tục được chảy xuống một hầm biogas “khủng” phủ bạt phía trên có dung tích 3.000m3. Quá trình nước thải được xử lý nhiều lần trong môi trường yếm khí tại 5 hầm biogas nối tiếp nhau đã giúp vi sinh vật phân huỷ chất hữu cơ dư thừa trong phân để sinh ra khí gas.
Tiếp đến, dòng nước sau hầm biogas sẽ chảy lần lượt qua hai bể lắng (thể tích 300m3, được phủ bạt đen ngăn thấm nước dưới đáy và xung quanh) và bể sinh học (thể tích 300m3, đáy bể không láng bê tông, phủ bạt ở tầng đáy mà để nguyên bùn đất để sinh ra vi sinh vật thẩm thấu, sử dụng chất thải).
Sau đó nước lại được đổ vào lần lượt 4 bể lọc đặc biệt nối tiếp nhau. Mỗi bể lọc có thể tích khoảng 2m3 được đổ đặc vỏ trấu. Dòng nước ngấm qua kẽ các vỏ trấu từ bể lọc thứ nhất, thông qua lỗ hổng dưới đáy tràn sang bể lọc thứ hai, rồi tràn từ bể lọc thứ hai xuống bể lọc thứ 3, thứ 4 theo hình ziczac.
Sau bước xử lý này, nước thải chăn nuôi không còn cặn bã và chất gây ô nhiễm môi trường, hoàn toàn có thể cho đổ ra hồ lớn nuôi cá (trong địa giới của trang trại) sau đó mới đổ ra môi trường, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về nước thải.
Ông Việt cho biết: “Phương pháp lọc nước thải chuồng trại bằng vỏ trấu có hiệu quả đặc biệt so với các phương thức lọc nước khác, bởi khe vỏ trấu khá thoáng, rất phù hợp để lọc cặn bã nước thải từ chuồng trại. Mặt khác, nó có độ bền tốt, khoảng 4 - 5 tháng mới thay vỏ trấu một lần với chi phí rất thấp. Nguồn trấu của bể lọc được bón cho cây trồng giúp cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và năng suất cao và tuyệt đối an toàn với môi trường”.
Lượng khí gas còn lại sinh ra từ hầm biogas, ông Việt cho đốt hết để không lây lan nguồn khí gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, bã phân lợn ngưng đọng trong các hầm biogas được ông Việt định kỳ hút lên và tưới cho vườn cây ăn quả của gia đình, hiệu quả kinh tế rất cao”
Vị chủ tịch xã đam mê chăn nuôi cũng khẳng định: “Nếu thích, tôi có thể biến nguồn nước thải từ chuồng lợn thành nước pha trà. Cụ thể, nước sau khi xử lý sau 4 bể lọc bằng trấu, có thể đi qua một bể lọc nữa sử dụng than hoạt tính thì sẽ trở thành nước sạch có thể uống được mà không gây hại cho con người”.
Khánh Ly (moitruong.com.vn/lược trích theo Nông nghiệp Việt Nam
( moitruong.com) |